Asian Games 19: Dự kiến Việt Nam tham gia tranh tài ở 31 môn
VHO- Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (TDTT) Đặng Hà Việt vừa chủ trì buổi làm việc với các phòng chức năng nhằm rà soát lại các công việc chuẩn bị cho Đại hội thể thao lớn nhất châu Á (Asian Games) lần thứ 19, tại Hàng Châu (Trung Quốc) từ ngày 23.9 đến ngày 8.10. Trong thời gian tới, Cục TDTT sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết về việc tham dự Đại hội để báo cáo lãnh đạo Bộ VHTTDL.
Tại kỳ Đại hội trước Bùi Thị Thu Thảo giành chiếc HCV quý giá nhưng giờ cô đã là bà mẹ một con, phong độ không còn như trước Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Dự kiến chúng ta sẽ tham gia tranh tài ở 31 môn thi đấu, trong đó có 28 môn dự Đại hội theo kinh phí Nhà nước, 3 môn dự Đại hội theo kinh phí xã hội hóa và các nguồn kinh phí khác.
Chuẩn bị chu đáo cho Đại hội
Theo kế hoạch, 7 môn nhóm 1 tham dự Đại hội bao gồm: Cầu mây, Cờ tướng, Karatedo, Xe đạp, Bắn súng, Bắn cung, Cử tạ. 17 môn nhóm 2 là các môn: Rowing, Canoeing, Bơi, Bóng bàn, Cờ vua, Quần vợt, Roller, Thể dục dụng cụ, Boxing, Taekwondo, Vật, Wushu, Điền kinh, Judo, Kurash, Jujitsu, Đấu kiếm. Nhóm 3 gồm Bóng chuyền, Cầu lông, Golf, Bóng đá. 3 môn xã hội hóa gồm: Sotf Tennis, Esports, Breaking. Hiện các bộ môn đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội. Trong đó một số nhóm môn có các VĐV đang trong quá trình tập huấn tại nước ngoài như đội tuyển Bắn súng lên đường sang Hàn Quốc tập huấn vào hôm qua 30.7, rồi sau đó sẽ dự giải vô địch thế giới trước khi tham gia tranh tài tại Asian Games, hay Bắn cung dự Giải vô địch thế giới ở Berlin (Đức) trước khi tranh tài tại Đại hội…
Một vấn đề được thể thao Việt Nam đặc biệt quan tâm trong hành trình chuẩn bị cho Asian Games là đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên phục vụ việc chăm sóc sức khỏe, hồi phục cho các VĐV. Danh sách các bác sĩ sẽ được tuyển chọn kỹ càng, gồm những người có kinh nghiệm, thể lực tốt để đáp ứng được khối lượng lớn công việc. Dự kiến sẽ có khoảng trên 10 người để phục vụ cho các VĐV. Ngoài ra đội ngũ cán bộ Đoàn cũng sẽ được lựa chọn kỹ lưỡng. Theo quy định thì ở kỳ Đại hội lớn nhất châu Á này, số lượng các cán bộ Đoàn phục vụ cho các công tác hậu cần sẽ được tinh gọn, vì thế đội ngũ này sẽ phải cùng lúc kiêm nhiệm nhiều công việc trong quá trình phục vụ cho Đoàn thể thao Việt Nam tại Đại hội.
Tại cuộc họp, các bộ phận chuyên môn cũng đã báo cáo, rà soát lại các công tác hậu cần chuẩn bị cho Đoàn thể thao Việt Nam như lựa chọn chuyến bay, chặng trung chuyển phù hợp, đăng ký ăn, ở của đoàn với ban tổ chức, đăng ký trang phục thi đấu, làm thẻ cho VĐV, HLV, cán bộ Đoàn tham gia tranh tài tại Đại hội. Để chuẩn bị kỹ lưỡng nhất cho Đoàn thể thao Việt Nam dự Đại hội, Cục trưởng Đặng Hà Việt chỉ đạo các phòng chức năng, bộ môn khẩn trương rà soát mọi công tác chuẩn bị, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và ban tổ chức nước chủ nhà, kịp thời tháo gỡ vướng mắc.
Trưởng phòng thể thao thành tích cao 2, Cục TDTT Ngô Ích Quân cho biết, cho tới thời điểm này các đội tuyển đều đang trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho Đại hội. Công tác chuẩn bị cho Đại hội đang được tiến hành chu đáo và kỹ lưỡng để làm sao cho các VĐV được lên đường với tâm thế thoải mái nhất. “Trong quá trình chuẩn bị, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục TDTT nên mọi việc đang diễn ra đúng kế hoạch và sẽ lên đường với tinh thần và quyết tâm cao nhất”, ông Ngô Ích Quân cho biết.
56 địa điểm tổ chức thi đấu đã sẵn sàng
Ban tổ chức Đại hội thể thao châu Á Hàng Châu (HAGOC), vừa tổ chức họp báo để cung cấp thông tin về quá trình chuẩn bị của nước chủ nhà cho kỳ Đại hội lớn nhất châu lục này. Theo đó chương trình thi đấu chính thức của Đại hội sẽ gồm 40 môn với 61 phân môn và 483 nội dung thi đấu. Theo đăng ký sơ bộ của các đoàn, sẽ có 12.527 vận động viên đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á tham gia tranh tài tại Đại hội. Hiện 56 địa điểm tổ chức thi đấu tại Đại hội đã đảm bảo đủ điều kiện để tổ chức các môn, nội dung thi đấu. Sẽ có 4.575 cán bộ kỹ thuật của Trung Quốc và quốc tế được tuyển chọn và đã sẵn sàng làm việc phục vụ Đại hội.
Lịch thi đấu tổng thể của Đại hội gần như đã hoàn thành và lịch thi đấu chi tiết của các môn cũng đang được hoàn tất. Trung tâm điều hành, Trung tâm thông tin của Đại hội, 78 nhóm điều hành thi đấu và 31 nhóm điều hành tập luyện cũng đã được thành lập. Các nhóm này đều đã được đào tạo, nâng cao trình độ, được “thử lửa” thông qua các sự kiện diễn ra trước thềm Đại hội. Đặc biệt, Làng VĐV Asian Games 2022 và các địa điểm phục vụ việc lưu trú khác của các đoàn đã được chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo điều kiện để VĐV, HLV, cán bộ các đoàn cũng như chỗ ăn, ở cho các phóng viên báo chí tác nghiệp tại Đại hội đã được chuẩn bị sẵn sàng để cung cấp chỗ ở toàn diện, phục vụ nhu cầu ăn uống và các dịch vụ cần thiết khác. “Đại bản doanh” của các nhà báo tại kỳ Đại hội được tổ chức tại Hàng Châu là Trung tâm báo chí chính cũng đã hoàn thành việc lắp đặt các trang thiết bị phục vụ cho việc tác nghiệp của phóng viên các đài truyền hình, các hãng thông tấn, báo chí của châu lục và quốc tế tới tác nghiệp tại Đại hội. Theo kế hoạch, Trung tâm báo chí sẽ đi vào hoạt động chính thức từ ngày 18.9.
Với thể thao Việt Nam, kỳ Đại hội này dự kiến sẽ có nhiều khó khăn do đây đang là giai đoạn chuyển giao thế hệ của nhiều môn thể thao thế mạnh. Chẳng hạn với nhóm môn đã làm nên 5 chiếc HCV của kỳ Đại hội gần đây nhất, thì môn Điền kinh Bùi Thị Thu Thảo đã lớn tuổi, trong khi các cô gái của đội tuyển đua thuyền (1 HCV Asian Games 18) cũng vậy. Ở kỳ này, môn thể thao đã mang về 2 chiếc HCV là Pencak Silat đã không được đưa vào chương trình thi đấu khiến cho thể thao Việt Nam mất đi cơ hội tranh chấp cơ hội ở ít nhất là 2 chiếc HCV. Một số môn thể thao thế mạnh như Bắn súng cũng đang trong giai đoạn chuyển giao lực lượng, lứa VĐV thành danh đã lớn tuổi, người chuyển sang công tác huấn luyện, người còn thi đấu thì cũng không còn ở đỉnh cao phong độ trong khi lớp trẻ quá non nớt kinh nghiệm ở những đấu trường tầm cỡ như Asian Games. Thế nên nếu đặt mục tiêu 5 HCV như ở kỳ Đại hội trước sẽ là rất khó khăn cho thể thao Việt Nam tại kỳ Đại hội dự đoán rất khốc liệt này.
THU SÂM